Thư Gửi Con Trai- Những Bài Học Về Sự Tử Tế
thumbnail
Sách Hay Cho Mọi Nhà Selected
thumbnail
Book Sai Gon Selected
thumbnail
Bảo Châu Books Selected
thumbnail
Sách Đại Nam Selected

Giá khuyến mãi thay đổi sau

  • h
  • m
  • s

Đã bán 3

Thông tin:

Thư gởi con trai

Tác giả: Nguyễn Đức Tùng

Số trang: 352

Khổ: 13x20.5cm

”Cuốn sách nhỏ này tập hợp những bức thư viết rải rác trong nhiều năm, nhân vật trong ấy mới đầu là một cậu bé nhỏ tuổi. Các cậu bé ấy ngày một lớn lên, khác đi, người viết cũng ngày một lớn lên và già đi. Không có gì trên đời là vĩnh viễn. Hãy nghĩ khác đi. Hãy cảm xúc khác đi. Chúng ta có một mùa để sống, một mùa để yêu thương, một mùa để nhớ lại. Tôi gởi đến các con lời cảm ơn của người có được may mắn làm bổn phận của cha mẹ, dẫn các con đi qua một đoạn đường ngắn mà lòng đầy hy vọng. Kỷ niệm ấy, niềm hy vọng ấy là tia mặt trời ấm áp chiếu rọi cuối một ngày cho một người.”

Đây là tâm sự của tác giả Nguyễn Đức Tùng, trong “Lời nói đầu” của cuốn sách “Thư gởi con trai – Những bài học về sự tử tế”. Bằng những câu chuyện thủ thỉ với con, về mọi việc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, tác giả đã đưa vào đó những suy nghĩ, chiêm nghiệm của một người đàn ông từng trải, một người cha muốn con mình “nghĩ khác đi”, “cảm xúc khác đi”, và trên hết là hiểu “không có gì trên đời là vĩnh viễn”, để con biết trân trọng, yêu thương những gì còn có trong tầm tay.

Gọi là “Thư gởi con trai”, nhưng 80 lá thư trong tập sách là 80 lá thư mà ai cũng cần được đọc. Các bạn nhỏ đọc để cảm nhận được tình yêu thương vô bờ mà bố mẹ dành cho mình, để học cách “nghĩ khác đi” trước khi đòi mua một món đồ đắt tiền để khoác lên mình cho bằng bạn, bằng bè… Những người làm cha, làm mẹ đọc để thêm trân trọng “món quà của thượng đế” là những đứa con: Bất cứ cha mẹ nào khi nghĩ đến con, không phải chỉ nghĩ đến lời cảm ơn của chúng dành cho mình, mà còn nghĩ đến lòng biết ơn của họ đối với con cái. Nhờ trẻ con mà chúng ta lớn lên, nhờ có chúng mà chúng ta được hạnh phúc làm người đi trước, che chở, chỉ đường. Nhờ có lời nhắc của con, hôm ấy ta về nhà sớm, và có một buổi tối cả nhà cười phá lên trước cái tivi vui nhộn, những câu hỏi hóc búa. Những cha mẹ đi làm việc thỉnh thoảng nên nhận được lời nhắc về nhà sớm như vậy, vì tuổi thơ chóng qua, khi bạn thu xếp được thì giờ thì bọn trẻ đã lớn, không cần chúng ta nữa”.

Mỗi bài viết đều là những bài viết ngắn, đề cập đến những việc đơn giản thường ngày nhưng đều có những khoảng lặng đáng suy ngẫm, không chỉ là câu chuyện cha nói với con mà còn là lời nhắc đối với mỗi người trong những vội vàng, bộn bề của cuộc sống, được sống chậm lại, lặng yên để ngắm nhìn lại mình và cuộc sống xung quanh. Đúng như tác giả viết: “Những bức thư này là câu chuyện, không phải những bài giảng luân lý hay lời khuyên đạo đức. Chúng chỉ kể lại những kinh nghiệm, những cảm xúc, những suy nghĩ. Nếu con tìm thấy ở đó bài học của ký ức, những kết luận về lối sống, thì đó là lời khuyên của chính những câu chuyện ấy, những cuộc đời ấy, tình huống ấy”.

Cuốn sách được viết bởi một người Việt xa xứ đã lâu, một người Việt có tâm hồn của một thi sĩ và cái nhìn chiêm nghiệm của một bác sĩ, mỗi dòng mỗi chữ viết về ngôn ngữ mẹ đẻ, về kí ức tuổi thơ, về hai tiếng “Việt Nam”, đều thấm đẫm yêu thương. Văn viết chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng lại là những khoảng lặng đáng quý để ai cũng có dịp được nhìn lại, được lắng nghe mình và lắng nghe cuộc sống.

Trích đoạn

  1. KẺ ỨC HIẾP

Mùa trượt tuyết năm nay bắt đầu sớm ngay sau lễ Giáng sinh. Thể thao vừa để rèn luyện vừa là một thú vui giải trí. Về mặt hữu ích, thể lực rất quan trọng để con có thể đi xa, làm nhiều việc. Nhưng thể lực cũng có những khuôn mặt khác.

Hôm qua, trong ngày trượt tuyết đầu tiên, ra về, sau một khúc quanh dưới chân đồi thơm mùi lá thông, chúng ta đã chứng kiến cảnh một đứa bé đứng trong tuyết bị bao vây bởi những đứa khác. Một thằng bé lớn nhất đã dí nắm đấm vào mặt nó. Thằng bé ấy có thể đã gây ra một lỗi lầm nào đó, cũng có thể hoàn toàn vô tội. Trước khi chúng ta kịp phản ứng, một huấn luyện viên trượt tuyết tình cờ đi ngang qua và can thiệp.

Bọn trẻ giải tán.

Đó là một ví dụ của sự ức hiếp.

Ức hiếp là việc dùng sức mạnh của một cá nhân với ưu thế về thể lực để đe dọa một kẻ khác, hoặc của đám đông đối với một số ít người, của đa số đối với thiểu số, của một dân tộc mạnh hơn đối với một dân tộc yếu hơn. Của những người có súng đối với những người không có súng. Của đàn ông đối với phụ nữ, trong các bạo hành tình dục, hãm hiếp, lợi dụng các ưu thế về sức mạnh và địa vị, và nhất là lợi dụng tâm lý sợ hãi của kẻ yếu, phổ biến khắp nơi, nhưng nhất là ở những nơi không có tự do ngôn luận. Tuy nhiên ức hiếp cũng không chỉ dừng lại ở thể lực hay tình dục. Đó còn là sự đe dọa hay sỉ nhục của người thông minh hơn đối với người chậm hiểu hơn, của người tài năng hơn đối với kẻ ít tài năng hơn, của người đẹp hơn đối với người xấu hơn, của người bình thường đối với người khuyết tật, của người có học vấn cao hơn đối với người có học vấn thấp hơn, của người thuộc phe này đối người thuộc phe khác, của người hùng biện hơn đối với người không có khiếu ăn nói.

Trong thời đại xa xưa, hàng triệu năm trước, những kẻ săn bắn giỏi, các lực sĩ, những người chiến thắng trong các cuộc chiến tranh có quyền bắt kẻ thua cuộc làm nô lệ, cướp đàn bà và gia súc của họ. Một vài trăm năm trước một dân tộc mạnh hơn có quyền đô hộ một dân tộc khác, một chính quyền có súng có thể nổ súng vào đám đông đòi tự do. Ngày nay chuyện ấy khó được chấp nhận, khó có thể xảy ra hơn, nhưng vẫn xảy ra. Sự ức hiếp khó xảy ra hơn không phải chỉ vì những người mạnh hơn trở nên tốt hơn mà còn vì lòng dũng cảm của mỗi cá nhân, vì ý thức của những người như chúng ta.

 BỊ PHẠT

 Con lên năm tuổi, bị phạt vì nói một tiếng xấu, bad language, và nói nhiều lần. Chữ xấu, chữ tục hay tiếng chửi thề, bị cấm dùng ở trẻ con. Ngay ở người lớn, chúng cũng không được dùng, trừ một vài trường hợp đặc biệt có thể hiểu được như phản ứng trước kẻ thù hay trước các tội ác.