Nam Kỳ Ngao Du
thumbnail
Tiki Trading Selected
thumbnail
Sách Đại Nam Selected

Giá khuyến mãi thay đổi sau

  • h
  • m
  • s

Đã bán 7

Thông tin:

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa phát hành tác phẩm "Nam kỳ ngao du" của tác giả Léon Werth vào tháng 10/2023 trên toàn quốc, dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm dịch Nam kỳ ngao du của tác giả Léon Werth ra mắt độc giả Pháp sau chuyến đi của ông đến xứ Nam kỳ vào năm 1924. Chuyến đi đã đánh động phủ toàn quyền lúc bấy giờ. Tuy cuộc hành trình đến Nam kỳ của Léon Werth phát xuất từ sự hiếu kỳ về một xứ nhiệt đới có vẻ trầm buồn, cũng có phần hoa lệ tựa xứ Passy của Pháp, "với những tòa nhà trưng trổ lan can kiểu Louis XIII và mũ cột kiểu Macaronico", "khiến người ta mê mệt hoặc chán ghét như Vichy" nhưng nơi này đã khơi lên trong "lãng khách" Léon Werth một niềm say đắm, và đã làm dậy lên trong tác giả sự chán ghét chính quyền thực dân bỉ lậu, bạo lực vì đã "vô tình tàn phá" vẻ đẹp tiềm ẩn kia của đất và người An Nam.
Sự ra đời của bản dịch Nam kỳ ngao du lần này (Đông Dương dịch, Nguyễn Quang Diệu tổ chức bản thảo và hiệu đính) góp thêm một cái nhìn mang tính tư liệu về địa chính trị Đông Dương đầu thập niên 1920. Và cũng cần thấy rằng, trong sự ra đời của dòng sách ký ức Đông Dương như hiện nay, nhất là vùng Nam kỳ trong ngổn ngang chính trị - xã hội lúc bấy giờ, những ghi chép của Léon Werth như "khai mở" cho độc giả thấy thêm được bối cảnh sinh hoạt của miền Nam, mà cụ thể là Sài Gòn đầu thế kỷ 20.

Điều đáng nói là ở dòng sách này, Léon Werth và hai văn sĩ khác - Roland Dorgelès và Louis Rouband - được đánh giá cao về tài năng lẫn tài quan sát tinh tế thâu trọn gần như cảnh sắc An Nam vào trong từng câu chữ được trau chuốt vô cùng kỹ lưỡng. Mỗi tác phẩm của họ là những mảnh ghép khác nhau về một An Nam đa chiều.

Nam kỳ ngao du đọc xong cũng rất buồn. Bởi vì đây là góc nhìn của một người Âu châu văn minh nhìn vào những người thực dân đang xâu xé thuộc địa. Và những cảnh dân ta bị áp bức một cổ hai ba tròng. Thân phận dân thuộc địa đầy đau khổ. Những phân biệt đối xử vô cùng gay gắt. Những mâu thuẫn hiển hiện trong từng mái nhà, từng miền quê… Cũng có cả những câu chuyện buồn, khi những người Pháp thực sự cống hiến cho Việt Nam phải từ nhiệm vì cảm thấy khó hợp tác với những quan chức thời đó của Pháp. Có cả những người Pháp hễ thấy thực dân bắt nạt dân bản xứ thì xông vào bênh vực. Có cả các vụ tham nhũng và hối lộ tai tiếng "khủng" lúc bấy giờ liên quan tới Cảng Sài Gòn và Toàn quyền Đông Dương Maurice Long cũng như một công ty tư nhân của Pháp.

Vì đến xứ Nam kỳ để ghi chép, hành tung tự do, từ một ký giả/văn sĩ đầy khao khát, Léon Werth trở thành một vị khách tình si yêu mến cái đẹp tiềm ẩn của vùng đất mà phải chăm chú lắm, một người Âu mới có thể nhận thấy được vẻ đẹp ấy, như thiếu nữ ngủ quên bất ngờ bị phát hiện. Chàng ký giả trẻ bỗng chốc rúng động trước vải vóc, chén bát, nhang đèn, phố xá, dáng vóc, âm thanh của đất Nam kỳ; và càng đặc biệt hơn, chàng còn ngây ngất trước vẻ trầm mặc của kênh rạch, sông ngòi, thuyền buồm, đôi hàng cau, đôi quang gánh… ở đây. Tài năng của tác giả và cảm xúc từ nguyên tác là một lẽ, lẽ còn lại đó là câu chữ của bản dịch vô cùng mượt mà, đắt địa khiến cho cái hồn của tác phẩm không chỉ được bộc lộ, nâng niu mà còn được làm bật lên qua chuyến hành trình mà Léon Werth băng rừng lội suối, rong ruổi trên những ruộng muối, lang bạt khắp các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Long Xuyên, Cà Mau, Bạc Liêu… để lấy tư liệu.

Đọc Léon Werth thì hiểu vì sao Saint-Exupéry là bạn thân của ông, người đã viết đề từ trên cuốn Hoàng tử bé để tặng Werth: "Tặng Leon Werth những ngày còn bé" (vì người lớn ai mà chẳng có một thời ấu thơ). Léon Werth có tài viết những chuyện đau lòng bằng cách viết nhẹ nhàng, từ tốn, bằng cái nhìn có vẻ chân thật và trong suốt của một đứa trẻ, chạy lang thang trên Trái đất này, nhìn thấy hỉ nộ ái ố, lại gần và suy ngẫm.

Trong sách, Nguyễn Quang Diệu đã thực hiện công việc vô cùng đáng trân quý: khảo tả lại những chi tiết lịch sử, những điểm mờ cần làm sáng tỏ, cung cấp lượng lớn hình ảnh về Nam kỳ thuộc Pháp nói chung và các tỉnh miền Nam nói riêng để tác phẩm giàu tính tư liệu về phần nhìn; chú thích cẩn thận dưới từng hình cho bạn đọc tiện tham khảo, tra cứu. Bản thảo gốc không có hình ảnh.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin giới thiệu đến quý bạn đọc!

*Thông tin sách:

Thể loại: Bút ký; Số trang: 296 trang; Khổ: 18x20cm
Tác giả: Léon Werth
Dịch giả: Đông Dương
Mã ISBN: 9786044723532
Giá sách: 150.000 đồng

*Trích đoạn tiêu biểu:
"Khoảng mười một giờ trưa, biển Rạch Giá phẳng lặng như mặt băng. Xa ngoài khơi là hòn Rùa. Bờ biển lầy lội, sũng sĩnh cỏ và thủy sinh vật như một bờ suối. Dưới mặt trời, dưới những đám mây mặt trời, sự im lìm tuyệt đối này thật rợn ngợp, im lìm của biển, của bờ bãi và thuyền buồm, im lìm của đêm. Đây là lần thứ hai tôi thấy sức nóng cực độ khiến người ta có cảm giác như đang bị nhấn chìm trong đêm tối này.

Chúng tôi trở về thị trấn. Trên những chiếc chiếu, những miếng cá dẹt khô phơi dưới nắng kéo dài hàng cây số. Cảm giác như hơi nóng hút hết mọi thứ. Và đó là một sự im lìm khác, nặng nề hơn, một sự im lìm của những thứ bị dằn nén, bị chìm đắm trong hơi nóng, một sự im lìm của ruồi nhặng dưới ánh nắng. Và đường nét của vật thể tồn tại trong cái bí bức này, trong cái hầm hập này, tưởng như nhòe đi và trở nên thần thánh.

Kiến trúc An Nam là cái nhà dưới hàng cau, là túp lều tranh duyên dáng. Dinh thự của người giàu An Nam giống những villa ở Chelles-Gournay. Nhưng tôi đã thấy ở Rạch Giá một ngôi nhà cột gỗ rất đẹp, giản đơn và hài hòa, cửa sổ dài xuống ngang giường ngủ. Đó là một ngôi nhà cổ, nhưng chủ nhân lại cho xây cạnh đó một biệt thự thuộc địa rất hoành tráng!"

*Thông tin về tác giả Léon Werth: Văn sĩ Léon Werth sinh tại Remiremont (Pháp) năm 1878, ông mất năm 1955. Ông là người rất thích xê dịch, là bạn chí thân của văn hào Pháp Saint-Exupéry. Từ rất sớm, Léon Werth đã bộc lộ tinh thần ủng hộ tự do, chống chủ nghĩa quân phiệt và thực dân.

*Lời giới thiệu:
Léon Werth - Vị khách tình si đất Nam kỳ
(Thay lời giới thiệu)

Có rất nhiều tác phẩm viết về Đông Dương thuộc Pháp nói chung và Nam kỳ, hay Sài Gòn nói riêng, tác giả thuộc đủ mọi thành phần: ký giả, văn sĩ, du khách, bác sĩ, tham biện, quân nhân,… Trong số họ, có những người trực tiếp tham gia chiến sự, được bổ nhiệm đến thuộc địa làm việc và viết những hồi ký/du ký/ký sự dưới góc nhìn của người trong cuộc; có những người lắng nghe tiếng gọi từ phương Đông, vội vàng lên đường đến Đông Dương trải nghiệm cuộc sống thuộc địa để lấy chất liệu sáng tác; có những người chưa từng đặt chân đến thuộc địa một ngày hoặc cùng lắm có dịp ghé qua được mươi bữ

Tờ Công luận báo (số 1079, ra ngày 13/9/1928) từng gọi nhóm người sau cùng là “mấy ông nhựt-trình thuộc-địa (les journalistes coloniaux)” và phê phán một số tờ báo Pháp chuyên viết về thuộc địa cùng các vị “trợ bút” của các tờ này vì sự hiểu biết hời hợt (về con người, lịch sử, phong tục… các nước thuộc địa) dẫn đến những bài viết có không ít sai lầm, “hoặc đọc những sách của mấy nhà văn sĩ đã từng đi du lịch xứ Đông Pháp về rồi viết, song những sách ấy cũng sai lầm”.

Trong dòng sách ký ức Đông Dương, Léon Werth (qua tác phẩm Cochinchine: Voyages [Nam kỳ ngao du]), cùng với Roland Dorgelès (qua tác phẩm Sur la route mandarine [Trên đường cái quan]), và Louis Rouband (qua tác phẩm Vietnam, la tragédie indochinoise [Việt Nam, tấn thảm kịch Đông Dương])… là những văn sĩ/ký giả hiếm hoi được người đương thời và hậu thế đánh giá cao bởi ngoài văn tài, họ còn đi thực địa, có óc quan sát và chịu khó tìm hiểu để viết nên các tác phẩm giàu cảm xúc và tương đối khả tín về tư liệu, ấy “thế mà còn sai xuyển [suyễn] vô số, huống chi những người khác, thứ nhứt là những ông chưa từng ăn ở đây bữa cơm nào”.

Văn sĩ Léon Werth sinh tại Remiremont (Pháp) năm 1878, tuổi trẻ của ông thuộc về thế kỷ 19 - thời đại của sự khắc kỷ và của chủ nghĩa anh hùng với tinh thần dấn thân quên mình. Từ rất sớm, Léon Werth đã bộc lộ tinh thần ủng hộ tự do và thích xê dịch, khi ông kịch liệt chống chủ nghĩa quân phiệt và thực dân không hợp thời. Hai tác phẩm Clavel soldat [Anh lính Clavel] xuất bản năm 1919 và Cochinchine: Voyages xuất bản năm 1926 là những minh chứng sống động, đồng thời gây ra không ít tranh luận.
Léon Werth vốn không xa lạ với độc giả văn chương, ông là người bạn thân thiết của văn hào Saint-Exupéry (họ gặp nhau vào năm 1931), và trong “Lời đề từ” mở đầu kiệt tác Le Petit Prince [Hoàng tử bé] (xuất bản năm 1943), văn hào đã dành tặng tác phẩm này cho Léon Werth với những diễn giải cùng dòng nội dung: “Tặng Léon Werth những ngày còn bé” (vì người lớn ai mà chẳng có một thời ấu thơ).
Trước đó gần hai mươi năm, cụ thể vào năm 1924, nghe lời mời gọi của người bạn là luật sư Paul Monin, Léon Werth lên tàu tìm đến Viễn Đông. Tờ báo tiếng Pháp L'Écho Annamite [Tiếng vọng An Nam] số ra ngày 19/3/1924 có tường thuật về sự kiện này trong bài viết ngắn có nhan đề “L’arrivée de M. Monin” [Ông Monin tới Sài Gòn] (trang 1), nội dung bài báo cho biết con tàu Angkor chở theo ông Monin cập cảng Sài Gòn vào lúc 17 giờ “chiều hôm qua”, tức chiều ngày 18/3/1924, “cùng đi với ông chuyến [trở lại Sài Gòn] lần này là một văn sĩ lớn, một người bạn thân thiết, Léon Werth. Monin dự định sẽ khai thị cho Werth một Nam kỳ trần trụi, chân thực để Werth có thể lấy làm tư liệu cho một tác phẩm hiện thực lưu danh muôn thuở”.

Ý định tốt đẹp của Monin đã được Léon Werth hoàn thành xuất sắc sau gần hai năm lưu trú ở đất Nam kỳ. Năm 1926, tác phẩm Cochinchine: Voyages giàu cảm xúc, với những cái nhìn tinh tế về con người và vùng đất Nam kỳ được xuất bản, đồng thời cho độc giả phương Tây thấy được phần nào mặt trái của chủ nghĩa thực dân đang vận hành ở Nam kỳ thuộc địa lúc bấy giờ.

Giai đoạn 1923 - 1926, Sài Gòn là thủ phủ kinh tế và tri thức, các làn sóng di cư lần lượt đổ về Sài Gòn, Nguyễn An Ninh khi đó đã là ngôi sao sáng chói ở xứ thuộc địa và là cái gai trong mắt nhà cầm quyền thực dân, cụ thể hơn là trong mắt Thống đốc Nam kỳ Maurice Cognacq. Ở Sài Gòn, Paul Monin sắp xếp các cuộc hẹn cho Léon Werth, đôi khi đồng hành cùng bạn mình. Thông qua Monin, Léon Werth làm quen và kết thân với Nguyễn An Ninh. Léon Werth biết đến và đọc báo La Cloche fêlée [Chuông rè] trước khi tìm hiểu Nguyễn An Ninh là ai, và khi đã biết nhau tỏ tường, hai người họ trở nên thân thiết, cùng nhau, họ đi chơi nhiều nơi trên đất Nam kỳ, trong đó bạn đồng hành “không mong muốn” đôi khi là nhân viên sở mật thám.

Có thể nói Léon Werth là một nhà du hành tự do, và may mắn được một con người tự do là Nguyễn An Ninh đồng hành làm hướng dẫn viên du lịch. Nam kỳ nói chung và Sài Gòn nói riêng không gì thoát ra khỏi tầm mắt của Léon Werth, từ tính cách con người, cảnh sắc, mùi vị, hương thơm, đời sống văn hóa, chính trị, phong tục, cả sự xa hoa và kệch cỡm… Qua góc nhìn tỉ mỉ, cùng với văn tài của Léon Werth, một bức khảm về con người và xứ sở Nam kỳ được ông khắc họa một cách tinh tế và giàu cảm xúc, thỉnh thoảng có sự liên tưởng so sánh giữa cảnh sắc An Nam và Âu châu. Cái lạ nơi đất Nam kỳ đã khiến Léon Werth kinh ngạc ở buổi đầu tiếp xúc, và khi đã quen ông trở nên say sưa với chính cái lạ thường ban đầu ấy.

Cũng như André Malraux và Paul Monin, trong hành trình phiêu lưu ở đất Nam kỳ, Léon Werth bỗng trở thành chứng nhân lịch sử, ông sống và trải nghiệm, để rồi phản ứng lại những thứ thô bạo, phản đối chủ nghĩa thực dân độc đoán bất công đang diễn ra ở thuộc địa, ở Werth là một sự phản ứng triệt để.
Mở đầu Cochinchine: Voyages, Léon Werth có đôi dòng gửi tới Paul Monin, “… hy vọng anh sẽ gặp lại trong những dòng này một chút gì của xứ sở mà anh đã rất yêu và đôi nỗi chán chường mà anh từng cảm thấy. Tất cả những gì tôi thấy, tôi đã nói…” Xứ Nam kỳ một trăm năm trước có gì lạ và hấp dẫn? Tiếng vọng phương Đông có đủ tha thiết và cuốn hút mời gọi khách lãng du? Còn chần chờ gì nữa, mời bạn lên đường ngao du Nam kỳ cùng với văn sĩ Léon Werth, một du khách đã đến, đã yêu và đã hiểu Sài Gòn lẫn Nam kỳ, để rồi trở thành vị khách tình si.

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam