LỊCH SỬ THẾ GIỚI (The Penguin History of the World) - J. M. Roberts & Odd Arne Westad - Phạm Viêm Phương dịch - (bộ hộp 5 tập)

Giá khuyến mãi thay đổi sau

  • h
  • m
  • s

Đã bán 0

Thông tin:

(Bộ 5 Tập) BỘ SÁCH LỊCH SỬ THẾ GIỚI (The Penguin History of the World) - J. M. Roberts & Odd Arne Westad - Phạm Viêm Phương dịch - Giá bìa: 1.350.000đ

***

Tác phẩm: Lịch sử thế giới (The Penguin History of the World)

Tác giả: J. M. Roberts và Odd Arne Westad

Biên dịch: Phạm Viêm Phương

IRED BOOKs phát hành | NXB Khoa học xã hội

LỊCH SỬ THẾ GIỚI
(The Penguin History of the World)

“Pho Lịch sử Thế giới nổi tiếng này của J.M. Roberts được nhiều người coi là công trình khảo sát, gọn trong một quyển, tốt nhất hiện có về những sự kiện, bước phát triển, và nhân vật chính của quá khứ mà chúng ta đã biết, mang đến cho nhiều thế hệ độc giả một chuyến tham quan khung cảnh rộng lớn của lịch sử loài người.

“Trong ấn bản mới này, nhà sử học Odd Arne Westad đã hiệu đính toàn bộ tác phẩm mang tính bước ngoặt này để kể tiếp câu chuyện đến đầu thế kỷ XXI, bao gồm các cuộc tấn công 11 tháng Chín và những cuộc chiến ở Trung Đông. Westad sử dụng những thành tựu sử học đáng chú ý trong mấy thập niên gần đây để nâng cao phạm vi bao quát của cuốn sách về cuộc sống buổi đầu của con người và cải thiện đáng kể phần trình bày về Ấn Độ và Trung Quốc, Trung bộ Á-Âu, thế giới Hồi giáo sơ kỳ, và Đế chế Byzantium, cũng như lịch sử khoa học, công nghệ, và kinh tế. Kết quả là một tác phẩm cô đọng và tổng hợp thực sự đáng chú ý, lướt qua hàng ngàn năm lịch sử, đan dệt những câu chuyện về các đế quốc, nghệ thuật, tôn giáo, kinh tế, và khoa học thành một tự sự trong sáng và hấp dẫn. Trải từ những vượn người sơ khai và sự xuất hiện của các nền văn minh Mesopotamia và Ai Cập cổ đại, cuốn sách này trình bày tiếp các chủ đề như Đế quốc La Mã, sự xuất hiện mạnh mẽ của Hồi giáo, sự hưng thịnh và sụp đổ của tầng lớp samurai ở Nhật Bản, các vương quốc thời trung cổ ở châu Phi Hạ-Sahara, các cuộc chinh phạt của người Mông Cổ, và sự bành trướng toàn cầu của châu Âu vào sơ kỳ cận đại; một số trang đáng kể cũng được dành cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Mỹ, Cách mạng Pháp, các đế quốc thuộc địa, quá trình hiện đại hóa đáng kinh ngạc của Nhật Bản, và hai cuộc thế chiến.”

Giống như Will Durant, Roberts cũng nhìn lịch sử loài người chủ yếu là lịch sử của những nền văn minh, từ những bước sơ khai kéo dài mấy ngàn năm trong bóng tối của thời tiền sử cho đến những xã hội hiện đại với những tiến bộ công nghệ và thay đổi sâu rộng trong những nền văn hóa, trong đó có cả những chiến tranh và xung đột mà đôi khi khiến người ta nghĩ tới cuộc xung đột giữa các nền văn minh, chứ không chỉ là cuộc tranh giành lãnh thổ, kho tàng, và tài nguyên.

Theo hai tác giả, lịch sử hiện đại – từ khoảng năm 1500 đến nay – là chiến thắng toàn cầu của văn hóa Tây Âu. Những năm sau Thế chiến II đã đánh dấu sự kết thúc quyền bá chủ toàn cầu của Tây Âu. Châu Á đang bước lên sân khấu lịch sử khi sức mạnh của Mỹ ngày càng trở nên rõ rệt. Nhưng đó là một châu Á hiện đã tiếp nhận một cách có chọn lọc nhiều lý tưởng về văn hóa, kinh tế, và chính trị của Tây Âu. Tuy sức mạnh của Tây Âu đã suy yếu, nhưng những thay đổi sâu rộng mà tư tưởng Âu châu đem lại vẫn tác động đến phần còn lại của thế giới.

Chương cuối sách, hai tác giả nhấn mạnh tới vai trò thống trị của văn minh Tây Âu (và những nhánh của nó phát triển ở Bắc Mỹ và châu Úc) xét theo tầm ảnh hưởng của nó đối với mọi nền văn minh và những lục địa khác. Dù mang tư tưởng bài tây phương đến đâu, bạn cũng không thể phủ nhận rằng con người ngày nay, dù ở châu lục hay quốc gia nào, đều hầu như chấp nhận những giá trị Âu châu, như cộng hòa, dân chủ, bình đẳng, chính quyền đại diện, tách biệt thế quyền và thần quyền, dân tộc tự quyết, … Nhiều vấn đề ưu tư lớn của con người ngày nay, như môi trường, nữ quyền, bình đẳng giới, biến đổi khí hậu… cũng xuất phát từ văn minh Âu Mỹ. Thậm chí con người ngày nay gần như ăn mặc giống nhau, theo Âu phục, đến nỗi những trang phục truyền thống của nhiều nền văn hóa đã trở thành một hình thức hoài niệm hoặc kỷ vật lưu niệm cho du khách. Họ đã trình bày nhận định này rất thuyết phục.

Với những dân tộc ngoài châu Âu, chịu sự đô hộ của các đế quốc châu Âu, cách duy nhất để họ quật khởi và giành độc lập là học theo người Âu (ngay cả những quốc gia cựu thuộc địa và đi theo chủ nghĩa cộng sản thì cũng dựa trên một học thuyết từ châu Âu), rồi đánh bại họ bằng chính những võ khí của họ. Lịch sử sau phong trào giải thực cũng cho thấy, quốc gia nào tây phương hóa nhanh và hiệu quả, đều vươn lên thành những nước phát triển. Ta có thể thấy điều này ở những nước như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, và Trung Quốc.

Roberts là người có cái nhìn bao quát. Và đây là một cuốn sách vẽ ra bức tranh toàn cảnh. Mặc dù nó là một biên niên sử ghi lại mọi diễn biến chính có ý nghĩa lịch sử bắt đầu từ tổ tiên tiền sử của loài người cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI, nhưng nó không phải là mớ hỗn độn vô nghĩa của các sự kiện và số liệu. Roberts vận dụng kiến thức uyên bác của mình để vạch ra trong đó những tiến trình lịch sử chính trong quá khứ của loài người.

Dĩ nhiên, khi cô đọng lịch sử loài người từ tiền sử đến hiện đại trong khoảng 1.200 trang (bản tiếng Anh), tác giả không thể ôm đồm hay sa lầy vào dữ kiện, mà phải chắt lọc những chi tiết tối cần thiết, và phải đòi hỏi bạn đọc tự trang bị một số kiến thức lịch sử, địa lý, chính trị, xã hội… tối thiểu, hoặc chịu khó tự tra cứu để hiểu rõ vấn đề đang được trình bày. Như thế, hai tác giả chủ yếu mang đến cho chúng ta những nhận định, tức là những ý kiến cá nhân, và đương nhiên là chủ quan, quanh những diễn biến lớn trong lịch sử loài người. Và những nhận định đó trở thành cơ hội cho chúng ta suy nghĩ, thảo luận, phản bác, hoặc mở ra những hướng tìm hiểu mới.

Do đó, tác phẩm này xứng đáng là sách tham khảo cho bạn đọc quan tâm tới lịch sử nhưng không theo đuổi chuyên ngành này. Và không những để tham khảo khi cần thiết mà nó còn xứng đáng được đọc lại nhiều lần.

Phạm Viêm Phương giới thiệu

****