Đi Gặp Mùa Xuân - Hành Trạng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Giá khuyến mãi thay đổi sau

  • h
  • m
  • s

Đã bán 464

Thông tin:

Đức Trưởng lão Hòa thượng - Thiền sư Thích Nhất Hạnh một bậc danh Tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Trong suốt cuộc đời hành đạo và hoằng pháp của mình, Thiền sư đã mang lời dạy của đức Bụt đến gần hơn với mọi người thông qua những phương pháp về thực tập chánh niệm, tỉnh thức. Bằng sự dung hòa các truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, Phật giáo Đại thừa, và các phát kiến của ngành Tâm lý học đương đại phương Tây, Thầy đã thiết lập cách tiếp cận hiện đại đối với thiền. Ngài được vinh danh như một lãnh đạo tinh thần của Phật giáo có sức ảnh hưởng chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma tại phương Tây.

Không chỉ có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực hướng dẫn thiện tập, Thiền sư Nhất Hạnh còn là một nhà hoạt động hòa bình với đường lối “bất bạo động”. Sinh thời, ngài từng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Thiền sư là một bậc thầy khả kính, một nhà thơ, nhà văn với những tác phẩm mang lại rất nhiều lợi lạc cho người đọc. Gần trăm năm hiện hữu trên cuộc đời, Ngài dành trọn thời gian của mình để phụng sự nhân sinh và Đạo pháp.

Đức Đạt Lai Lạt Ma từng tán thán về Thiền sư Nhất Hạnh: “Hầu hết mọi sự cống hiến của ngài trong việc chia sẻ với những người khác, cho thấy sự sống trong chánh niệm và với lòng từ bi không những góp phần vào sự an trú trong nội tại, mà còn phản ánh cách thức các cá nhân có thể dùng chánh niệm xây dựng hòa bình cho thế giới, Thiền sư đã sống một cuộc đời đầy trọn vẹn và tràn đầy ý nghĩa”

Như Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nhận định, Thiền sư đã sống một cuộc đời trọn vẹn và ý nghĩa. Vậy cuộc hành trạng về cuộc đời của Ngài như thế nào, những đóng góp cụ thể của Thiền sư dành cho nhân loại ra sao? Xin mời quý vị độc giả cùng đón đọc “Đi gặp mùa xuân – hành trạng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh”, từng dòng chữ, từng câu văn như một phương tiện để đưa người đọc tương phùng với mùa xuân của bản môn, với Thiền sư và những chặng đường hoằng hóa. Càng đọc, ta càng hiểu hơn về Thầy, về "đạo Phật dấn thân", và pháp môn "Làng Mai" mà Thầy đã dày công tạo dựng.

MỤC LỤC:
I. Thời thơ ấu
II. Những năm đầu tu học ở Huế
III. Tìm một hướng đi mới
IV. Đôi vai gánh vác
V. Thực tập để sống còn
VI. Princeton và Colombia
VII. Lãnh đạo phong trào hòa bình Phật giáo và hoạt động xã hội
VIII. Kêu gọi hòa bình và bị lưu vong
IX. Hòa đàm Paris
X. Những khám phá Phật học
XI. Cứu giúp đồng bào trong và ngoài nước
XII. Làng hồng – Làng Mai
XIII. Đạo Bụt không biên giới
XIV. Làng Mai – một giai đoạn mới
XV. Đám mây không bao giờ chết
Chú thích
Phụ lục 1: Các khóa giảng của Thầy (Từ năm 1988 đến năm 2014)
Phụ lục 2: Những tác phẩm của Thầy bằng tiếng Việt
Tài liệu tham khảo

Trích đoạn sách:

Bé Em

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926 trong một đại gia đình Phật giáo tại kinh đô Huế, miền trung Việt Nam. Thầy thuộc thế hệ thứ 15 của dòng họ Nguyễn Đình. Trong dòng họ của thầy có nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, thuộc thế hệ thứ 9, là một danh nhân của Việt Nam.

Cha là Nguyễn Đình Phúc, pháp danh Trừng Tuệ, người làng Thành Trung (nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông làm quan võ trong chính phủ Nam triều nhà Nguyễn dưới thời Pháp thuộc, đảm trách công việc di dân lập ấp. Mẹ là Trần Thị Dĩ, pháp danh Trừng Thính, người làng Gio Linh, nay thuộc làng Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Cả hai ông bà thọ Năm giới với Hòa thượng trụ trì chùa Từ Hiếu vào dịp Tết Nguyên đán năm 1947. Thầy có ba người anh, một người chị và một em trai út.

Bé Em, tên gọi của Thầy lúc nhỏ, đã sống trong nhà của ông bà nội cùng với bà nội, các chú bác và anh em họ cho đến lúc lên năm. Đó là một ngôi nhà lớn trong thành nội Huế có hồ sen, lũy tre, cây đào sai hoa trĩu quả. Bé Em có tánh nhút nhát và thường ngại làm phiền người khác. Bé Em rất chú tâm khi làm bất cứ việc gì như đi dạo trong vườn nhà, chơi với một con ốc sên hay với một hòn sỏi.

Mỗi lần đi chợ về, mẹ thường cho Bé Em một cái bánh ít hay bánh in. Cầm lấy cái bánh mẹ cho, Bé Em ngồi thưởng thức một cách chậm rãi và thanh thản. Bé Em đưa bánh lên miệng cắn một miếng nhỏ để cho hương vị của miếng bánh thấm vào lưỡi, đưa mắt nhìn lên trời xanh, rồi cúi xuống, đưa chân phải xoa nhẹ con chó, lấy tay trái vuốt con mèo, rồi cắn thêm một miếng thứ hai. Cứ như vậy Bé Em ăn hết cái bánh. Cái bánh tuy nhỏ xíu, ấy vậy mà Bé Em mất gần nửa giờ đồng hồ để thưởng thức. Cái bánh in, bánh ít thời thơ ấu ấy là một kỷ niệm mà sau này Thầy đã nhớ lại và hướng dẫn cho không biết bao nhiêu người thực tập an trú chánh niệm trong mỗi bữa ăn. Bé Em cũng thích ăn kẹo, đặc biệt là kẹo cau.

Lên bốn tuổi, Bé Em được đi học và có tên mới là Nguyễn Đình Lang. Một năm sau, gia đình Lang chuyển ra huyện Nông Cống, Thanh Hóa để sống cùng với cha, nơi ông được thuyên chuyển đến khai hoang một vùng miền núi. Lớn lên, Lang nói được giọng Thanh Hóa một cách tự nhiên. Lang thích thú đọc tất cả những cuốn sách hay những tờ báo Phật giáo mà anh Nho, anh cả của Lang mang về nhà. Lang cũng rất thích xem anh Nho chụp hình và rửa ảnh từ một cái máy do anh tự chế. Sau này, Lang xin anh dạy cho mình cách chụp hình, rửa ảnh và vẽ tranh truyền thần.

Những hạt giống Phật pháp được tưới tẩm lần đầu trong đời

Một hôm, hình ảnh Bụt ngồi thật an nhiên tự tại giữa bãi cỏ với nụ cười từ bi in trên trang bìa tạp chí Phật giáo Đuốc Tuệ số 104 đã gây chấn động và để lại một ấn tượng sâu đậm trong Lang. Hình ảnh ấy thật tương phản với những khổ đau và bất công mà Lang nhìn thấy xung quanh mình. Lang ước muốn được giống như Bụt, hiện thân của sự tĩnh lặng, bình an, thảnh thơi, có khả năng giúp những người xung quanh cũng làm được như vậy.

Năm học lớp bốn, Lang háo hức khi được tham gia chuyến dã ngoại lên núi Na do trường tổ chức. Lang nghe nói trên núi có một ông đạo giác ngộ. Buổi trưa, Lang tách nhóm và lẻn đi tìm ông đạo. Không tìm thấy ông đạo trong thất, Lang đi ra xa hơn. Có tiếng nước chảy róc rách. Lang phát hiện một cái giếng thiên nhiên bằng đá. Nước giếng trong vắt. Vừa mệt vừa khát, cậu bé liền quỳ xuống vốc nước uống. Nước ngọt và mát lạnh. Cảm giác sảng khoái khó tả, Lang nằm xuống tảng đá bên bờ giếng, ngắm nhìn trời xanh, thưởng thức tiếng chim hót, tiếng lá cây xào xạc. Khung cảnh thanh thoát nơi đây khiến Lang nhớ đến chùa Đại Bi ở núi Mật. Cảm được đây là quê hương của mình, Lang ngủ thiếp đi một giấc ngon lành. Thức dậy, trong đầu cậu bé đi lên một câu tiếng Pháp: J’ai bu à une source où l’eau est la plus douce de toute (ta đã uống được từ một nguồn nước ngon ngọt hơn bất kỳ ở đâu). Lang cảm thấy mình đã được gặp ông đạo bên giếng nước thơm trong. Cũng vào năm đó, Lang được trường chọn đi thi học sinh giỏi môn hành văn tiếng Pháp toàn quốc. Thầy Tiệp dạy lớp của Lang cũng là thầy hiệu trưởng của trường. Thầy nói Lang khá nhất lớp cả môn quốc văn và Pháp văn. Những môn khác như toán, sử, Lang học đều khá. Cuối năm, Lang được phần thưởng lớn.

Một hôm, sau giờ cơm chiều, Lang cùng anh Nho, anh An (anh kế của Lang) và hai người bạn ngồi chơi, trò chuyện với nhau về ước muốn của mình sau này. Có người muốn làm bác sĩ, có người muốn làm kỹ sư. Anh Nho là người đầu tiên trong nhóm muốn trở thành một tu sĩ. Sau một hồi thảo luận, tất cả đều đồng ý đi tu.

Anh Nho xuất gia tại chùa Đại Bi trên núi Mật, Thanh Hóa, với pháp tự là Thích Giải Thích[1]. Thầy Giải Thích sau đó được Bổn sư là ngài Trừng Pháp Chân Không gửi đến tu học tại chùa Từ Hiếu, Huế với sư huynh đồng sư là thầy Chánh Kiến.

Lang muốn đi tu theo anh. Lang tập ăn chay, tự học thêm tiếng Hán và đọc kinh sách. Lang rất thích những bài viết về Nhân gian Phật giáo trong tạp chí Đuốc Tuệ, nói về một đạo Bụt được thực tập trong gia đình và xã hội mà không chỉ giới hạn trong khuôn viên chùa. Lang thích chuyện Quả dưa đỏ, và đặc biệt thích chuyện Cô con gái Phật hái dâu của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, tác giả của một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng quốc ngữ và là người khởi xướng tư tưởng Nhân gian Phật giáo ở Việt Nam. Lang thuộc lòng nhiều bài thơ lục bát trong tác phẩm Quả dưa đỏ. Bài thơ Trước cảnh cao rộng của Thế Lữ cũng đã làm Lang rúng động. Trái tim Lang bắt đầu nhen nhúm chí nguyện đem đạo Bụt đi vào cuộc đời. Lang có niềm tin rằng đạo Bụt sẽ mang lại công bằng, tự do và thịnh vượng cho xã hội.

Được sự đồng ý của cha mẹ, năm 16 tuổi, Lang xuất gia. Thầy Giải Thích đưa Lang đến chùa Từ Hiếu, xin cho Lang được làm đệ tử của Hòa thượng Thanh Quý Chân Thật (1884- 1968). Trước khi bước vào cổng tam quan, thầy Giải Thích dặn Lang phải vừa đi vừa niệm Phật, để Phật gia hộ cho Lang được tu trọn đời. Vào chùa, hành trang mang theo của Lang là một tuổi thơ hạnh phúc và một khối lửa trong tim: Lang muốn tu và muốn đem đạo Bụt làm đẹp cho cuộc đời. Ngày xuống tóc, Lang được đặt tên mới là Sung, nghĩa là đầy đủ.

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!