25 Độ Âm

Giá khuyến mãi thay đổi sau

  • h
  • m
  • s

Đã bán 9

Thông tin:

Di cư và nhập cảnh trái phép luôn là vấn đề nhức nhối của nhân loại trong hàng thập kỉ tồn tại và phát triển. Mặc dù các quốc gia đã đưa ra rất nhiều lời cảnh tỉnh và siết chặt an ninh cùng nhiều hình thức trừng phạt mạnh tay, nhưng vấn nạn này chưa bao giờ được giải quyết triệt để, thậm chí thủ đoạn của bọn tội phạm vượt biên còn ngày càng tinh vi và ngoan cố hơn. Chúng ta hẳn không thể nào quên được sự kiện kinh hoàng, gây rúng động toàn thế giới cách đây 5 năm: 1h20ph sáng ngày 23/10/2019, cảnh sát Anh quốc đã phát hiện ra thi thể của 39 người Việt tử vong trong một chiếc xe container đông lạnh. Họ đều là những con người tham gia vào chuyến hành trình vượt biên trái phép và bỏ mạng ngay trước giây phút tưởng chừng đã đặt chân được đến miền đất hứa.

Chúng ta biết được kết cục của họ nhưng không biết họ đã thực sự trải qua những gì, phải đối mặt, đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm đáng sợ đến nhường nào khi quyết tâm dấn thân vào con đường phi pháp. Và tiểu thuyết 25 độ âm của tác giả Thảo Trang sẽ phần nào trả lời cho bạn đọc những câu hỏi ấy.

Theo chân nhân vật Lam, hành trình sinh tử trên con đường vượt biên của cô gái từ Nga tới Pháp và cuối cùng là Anh sẽ được lần lượt tái hiện vô cùng chân thực và tàn khốc. Đồng hành với Lam là Đức Hà Nội, bà Loan, ông Sang, Phượng và Duy Anh. Trên mỗi cung đường vượt biên, họ sẽ làm quen, gặp gỡ đồng bào mình và cả những con người không cùng màu da, sắc tộc. Mỗi người ra đi với những lí do, hoàn cảnh đưa đẩy khác nhau. Đối với Lam, bước vào con đường này là sự nối dài chuỗi bi kịch của cuộc đời. Lam có ước mơ, hoài bão, khát vọng và ý chí sống mạnh mẽ, nhưng cô lại không có quyền chọn lựa cuộc đời mình, là con rối để người khác giật dây, buộc phải dấn thân vào một hành trình không biết trước kết cục. Tuy nhiên, không ít những con người, họ lựa chọn ra đi vì khát vọng đổi đời, nó lớn lao và dữ dội đến mức, họ sẵn sàng lao đi như con thiêu thân, dù có thể bị ánh lửa thiêu rụi, đánh đổi cả nhân hình và nhân dạng, vẫn khát khao nơi miền đất hứa ấy họ sẽ ngẩng cao đầu hãnh diện với người đời. Nhưng họ nào đâu biết rằng, kể từ khi đặt chân vào hành trình ấy đã là con đường chết chóc, nơi mà tử thần luôn rình rập những kẻ “bán mạng”, kết cục cuối cùng đang đón đợi họ là cánh cửa địa ngục.

Tác giả Thảo Trang từng là sinh viên chuyên ngành Xã hội học, đề tài nghiên cứu khoa học của cô chính là khai thác góc nhìn xã hội trong những người vượt biên. Hơn 4 năm tìm hiểu thông tin, 200 cuộc phỏng vấn, 23 kg tài liệu, sự nỗ lực và dày công nghiên cứu đã trở thành chất liệu viết lên 25 độ âm. Sau Tết ở làng Địa Ngục, người đọc lại lần nữa nhận ra phong cách viết rùng rợn và đậm chất điện ảnh trong 25 độ âm, tác giả đã khéo léo đan cài những nút thắt, nút mở và hàng loạt tình tiết hư cấu khơi gợi sự tò mò. Theo từng cung đường vượt biên, người đọc sẽ giống như thực sự tham gia vào một trò chơi sinh tồn, mà cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, dồn dập, tàn khốc và đau đớn, dường như không chừa cho ai một lối thoát. Thảo Trang chỉ muốn nói nhắn nhủ tới bạn đọc rằng, với những ai còn thắc mắc và hoài nghi, thì con đường vượt biên ấy chính là như thế, nếu tương lai do chính bạn lựa chọn, hãy thử nghĩ xem có đáng đánh đổi để bước lên con đường ấy hay không?

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Về tác giả:

Thảo Trang

Tốt nghiệp Học viện Quản lý giáo dục, hiện là nhà văn, nhà biên kịch.

Tác phẩm đã xuất bản: Tết ở làng Địa Ngục, Ngủ cùng người chết.

Thảo Trang hiện là một trong những cây bút 9x nổi bật và có sức ảnh hưởng. Các tác phẩm của cô được đông đảo công chúng đón nhận và giới làm phim săn đón, đồng thời nhận được những phản hồi tích cực của khán giả quốc tế.

Tiểu thuyết Tết ở làng Địa Ngục đã tiêu thụ hàng chục nghìn bản và được chuyển thể thành phim, nhận được Giải thưởng Ngôi sao 2023 – Hiện tượng phim ảnh của năm 2023; Giải thưởng Wechoice Awards – Phim truyền hình của năm 2023 và liên tục đứng Top 1 trên hai nền tảng phim trực tuyến lớn nhất là Netflix và K+.

Phim điện ảnh Kẻ ăn hồn chuyển thể từ tác phẩm cùng tên sắp ra mắt của Thảo Trang được đề cử giải thưởng Wechoice Awards – Phim điện ảnh của năm 2023.

Một số trích đoạn hay:

“Mỗi một cột mốc lại có những người dẫn đường khác nhau. Mắt xích ở khu vực này khi đã bàn giao người cho chân rết ở nơi khác là hết nhiệm vụ, đừng mong bọn họ sẽ quay lại giải quyết hay giúp đỡ bất cứ điều gì. Nhiều người gọi chúng là những kẻ “lái người”. Kể cả những người vượt biên có chết trước mặt thì những kẻ đó cũng phải rời đi ngay lập tức để tránh liên lụy. Nói một cách đơn giản hơn, người trong đường dây chỉ đưa chúng tôi đến các địa điểm trên cung đường như đã định. Còn việc chúng tôi có đến được hay không thì phải tùy thuộc vào ý trời.”

“Cách trước mặt chúng tôi gần chục mét là mấy chiếc lều cắm trại màu xanh, đỏ. Tôi nuốt nước bọt để lấy tinh thần rồi bước tiếp. Khi vừa nhìn thấy những mảnh xác đầu tiên, tôi ngồi thụp xuống đất, chân tay bắt đầu run lẩy bẩy.
Phải gọi đây là một vụ thảm sát mới đúng. Trên mặt đất toàn là máu, xác người vương vãi khắp nơi. Những nạn nhân đều bị giết trong tình trạng khỏa thân. Người nào người nấy đều bị chém bằng một nhát dao chí mạng.”

“Ngà thá năm

Người ta vẫn nói, chuyến hành trình vượt biên mà tôi đang đi, đều phải dựa vào may mắn. Cách đây vài tháng, tôi cũng đã từng nghĩ như vậy. Phải tới giờ phút này, tôi mới hiểu rằng, cả quãng đường vốn là một ván bài phải đặt cược bằng tính mạng. Người chơi cùng với chúng tôi là tử thần.

Ivan lẳng lặng cầm chiếc la bàn bước về phía trước. Hành trình của chúng tôi lại tiếp tục. Tôi ngoái lại nhìn một người đồng bào của chúng tôi nằm lại nơi đất khách quê người, mãi cho tới khi khuất hẳn. Không ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng được rằng, con số thương vong trong đoàn vẫn chưa dừng lại ở đó.”

“Những người đi vượt biên đều gọi con sông nằm giữa biên giới Ba Lan và Ukraine là cổng Địa Ngục. Sở dĩ có tên gọi như thế là bởi số lượng người bỏ mạng khi vượt qua sông này quá nhiều. Thậm chí, cả những người biết bơi cũng không thể toàn mạng. Chiều ngang của sông khoảng 60 mét, chiều dài thì đám lái người không ước lượng được. Cảnh vật hai bên bờ hoang vu, liên tục có tiếng chó nghiệp vụ sục sạo. Đây là cột mốc bắt buộc phải vượt qua nếu như muốn vào biên giới Ba Lan”.

“Tôi vừa mong ngóng được nhìn thấy địa danh mà những người trong đường dây vẫn gọi là cổng Địa Ngục, vừa hồi hộp không dám đối diện với thử thách này. Ivan cảnh báo chúng tôi, đã từng có đoàn vì bị mắc kẹt trong khu rừng biên giới giữa Nga và Ukraina, mà khi đến sông thì trời đã lạnh. Nước sông lúc này bắt đầu đông lại thành những mảng nước đá trôi bập bềnh trên bề mặt. Đoàn người đó vẫn bắt buộc phải sang sông, nhưng rồi phân nửa trong số họ chết sạch. Nguyên nhân không phải là vì nước quá lạnh, mà bởi những mảng băng nhọn hoắt đâm xuyên vào người. Máu đỏ ối loang khắp một vùng nước mênh mang.”

“Có hai con đường dành cho những người như chúng tôi.
Một là chết.
Hai cũng là chết, nhưng muộn hơn.
Khi tôi thấm thía được điều này thì mọi thứ đã quá muộn. Nhiệt độ lúc này đã xuống dưới ngưỡng âm độ. Chúng tôi vượt biên không thành. Ngộ nhỡ chúng tôi không qua khỏi, xin hãy hỏa táng để tôi được về với đất mẹ Việt Nam. Tôi là người Việt Nam, tôi muốn được chôn dưới mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mình!”