Giá khuyến mãi thay đổi sau
- h
- m
- s
Đã bán 9
Lịch sử giá:
Thông tin:
Tên tác phẩm: Trượt chân trên tầng cao
Thể loại: tập truyện ngắn
Tác giả: Hồ Anh Thái
Số trang: 280; Khổ: 13,5 x 20,5 cm
Giá bìa: 108.000 đồng
ISBN: 978-604-490-3620 – Mã: 8935069924047
NXB Phụ nữ VN phát hành trên toàn quốc vào tháng 7 năm 2024.
Tác phẩm:
22 truyện ngắn trong tập sách này, nếu ghi năm sáng tác vào dưới mỗi truyện, hẳn sẽ khiến bạn đọc thấy bất ngờ và thú vị. Bởi đó là các truyện tác giả viết từ nhiều năm gần đây, được tác giả tập hợp lại, thế mà lại có kết cấu chặt chẽ như một khối rubic, không hề lộ vết ghép của thời gian. Có lẽ đó là do Hồ Anh Thái viết các truyện ngắn này ở vào độ chín của tuổi đời tuổi nghề; và gom lại thành một tập, khi đã có quá nhiều “kinh nghiệm” trong việc xuất bản sách, để mỗi tác phẩm của anh trở thành một chỉnh thể nghệ thuật công phu khi đến tay bạn đọc. Thế nên, dẫu chỉ là một tập sách nhỏ, nó vẫn gợi nhớ đến cái chí mà Hồ Anh Thái định hình được cho mình ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn, đó là một hình mẫu về một nhà văn hiện đại: chuyên nghiệp, bền bỉ, quyết liệt trong phong cách; tinh tế, lớn lao và đầy tính triết luận sâu sắc trong nội dung; hài hước sáng tạo và sắc sảo trong ngôn ngữ thể hiện. Các truyện ngắn trong Trượt chân trên tầng cao hầu hết viết theo lối giễu nhại, một điểm mạnh của tác giả, tập trung châm biếm hài hước các khía cạnh hiện thực của đời sống, trải từ thời bao cấp đến đương đại: tình yêu dở khóc dở cười bên chuồng xí công cộng; chuyện ngoại tình ở khu tập thể lắp ghép; chuyện quyền lực công sở; chuyện người Việt công tác và sinh sống ở xứ tư bản; chuyện người Việt sống ở nước mình thời đổi mới; chuyện bạn hay bè; chuyện đời ăn ở bạc; chuyện văn chương thơ phú lộn sòng; chuyện thời Covid; chuyện tai nạn thảm khốc từ tầng cao các chung cư đô thị hiện đạ Tất cả như những tấn trò đời lạnh và trơ, diễn mà không diễn nhưng khiến người đọc cười mà phải ngẫm, ngẫm sơ thì trầm ngâm, ngẫm đến nơi đến chốn thì giật mình cay mắt, thấy ông tác giả này “quá ghê gớm”. Truyện ngắn của Hồ Anh Thái vốn vẫn nổi tiếng với độ nén cao, ngôn ngữ sắc bén, tình tiết thông minh và bất ngờ, dụ ngôn đa tầng nghĩa; đằng sau sự “đành hanh” đó luôn ẩn hiện một tấm lòng đau đời trầm lặng và sự minh triết trí tuệ. Như bìa 4 cuốn sách đã nhận định: “Vẫn là cái nhìn hóm hỉnh của nhà văn vào những vấn đề ngổn ngang trong cuộc sống, nhưng châm biếm giễu cợt không chỉ gây tiếng cười hồn nhiên vô tư, đằng sau tiếng cười có khi là tiếng thở dài và rưng rưng cảm xúc. Một chùm truyện thấp thoáng hình bóng của một đại dịch, nhưng bao trùm toàn bộ tập truyện dường như là những trận dịch sâu bên trong những tâm hồn, những số phận.
Như một triển lãm những hí họa và những chân dung, khi gần gũi thông thường, khi lạ lùng độc đáo, tác giả vẽ ra chân dung những công chức, thị dân, văn nghệ sĩ, những người thân thiết và cả những số phận chỉ một lần thoáng qua.”
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Tác giả: Hồ Anh Thái
- Tác giả năm mươi tập sách đã xuất bản thuộc nhiều thể loại. Sách đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng và ấn hành ở nhiều nước.
- Từng là chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội hai nhiệm kỳ (2000-2010).
- Làm công tác ngoại giao chuyên nghiệp, được bổ nhiệm công tác ở đại sứ quán Việt Nam một số nước.
- Nhiều năm nghiên cứu văn hóa phương Đông, thỉnh giảng Đại học Washington và một số đại học nước ngoài.
Cùng một tác giả:
• Người và xe chạy dưới ánh trăng (1987)
• Người đàn bà trên đảo (1988)
• Trong sương hồng hiện ra (1990)
• Tiếng thở dài qua rừng kim tước (1998)
• Họ trở thành nhân vật của tôi (2000)
• Tự sự 265 ngày (2001)
• Cõi người rung chuông tận thế (2002)
• Mười lẻ một đêm (2006)
• Đức Phật, nàng Sivitri và tôi (2007)
• Năm lá quốc thư (2019)
• Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu (2023)
Đoạn trích hay:
- “Khi anh chạy ngược trở lại và nhảy lên vỉa hè, anh có dáng vẻ của người vừa lao xuống dòng nước lũ và quả cảm cứu người. Trời đã bắt đầu tối. Hai người đi ngược trở lại, đi chậm rãi, vì câu chuyện của họ mới bắt đầu. Chị phàn nàn, một tinh thần không chuyên nghiệp bao trùm cả xứ này. Nhân viên bán hàng siêu thị, nhân viên nhà hàng cũng gườm gườm nhìn khách theo kiểu, chẳng qua là đây không may mắn, đây chỉ làm tạm ở đây một thời gian rồi đây biến. Ai cũng nghĩ là công việc mà mình đang làm không xứng. Khắp nơi, từ nông dân đến người thợ đến kỹ sư lập trình đến doanh nhân đến quản lý. Ta xứng với chỗ cao hơn sạch hơn ngon hơn thơm hơn. Tỏ ra yên tâm với công việc tức là mình hèn mình đụt mình thấp kém.
- Một tinh thần không chuyên nghiệp đang bao trùm.
Chị nhắc lại.
Anh gật gù thầm nghĩ. Ô, nhan sắc lại đi kèm trí tuệ. Anh tiếp vào câu nói của chị, rằng tinh thần nghiệp dư ấy có cả trong khoa học trong văn chương, trong kỹ thuật trong nghệ thuật, trong kinh tế trong kinh doanh. Một bộ phim, đạo diễn thì vốn là nhà biên kịch, diễn viên thì vốn là họa sĩ và nhạc sĩ, họa sĩ biểu diễn làm thiết kế mỹ thuật, họa sĩ đồ họa làm phục trang. Ai cũng tay ngang. Kể cả người chuyên nghiệp thì bất cứ sản phẩm nào chỉ mới đạt điểm năm điểm sáu đã tự bằng lòng, coi như điểm mười. Ngày trước các cụ bảo chín bỏ làm mười, giờ thì năm cũng đã bỏ làm mười. Sản phẩm nào mà chẳng nghiệp dư, dang dở.
Đến lượt chị gật gù thầm nghĩ về anh. Ô, tinh thần quả cảm lại đi kèm trí tuệ.
Gái ham tài giai ham sắc. Bập vào nhau luôn. Đó chính là hôm Trạng Hít tìm mãi mới phát hiện ra cái vỏ chanh dính bẹt dưới đáy sọt. Chồng đã đặt cái sọt xuống giữa đường để quét hót chỗ rác vương vãi.”
(Trích truyện ngắn Trạng Hít)
- “Bây giờ kể chuyện vui. Người ta bảo nhân đức hưởng thái bình. Sứ quán Tây Âu tự nhiên rơi xuống đầu một đống hàng tết. Họ đi đăng ký vé cho bí ba quay trở lại Nam Á, nhưng giàng sắp đặt, phải mười một ngày sau mới có chuyến bay. Mùng sáu tết mới bay được. Thôi xong, giờ thì có bao nhiêu hàng tết xùy hết ra đây.
Thoạt đầu bí ba cố thủ trong công sự của mình. Hàng tết của Nam Á cấm có động vào. Tây Âu chỉ là nơi chẳng may phải ở nhờ chục ngày, Nam Á mới là cơ quan lâu dài của ta, ta phải bảo vệ chuyến hàng cho Nam Á. Vay mấy cân gạo nếp. Không. Vay một ít lá dong. Không. Vay mấy cân miến. Không. Vay bánh đa nem. Không. Nói là vay, giữa xứ Tây Âu này họ lấy đâu ra đồ Việt Nam mà trả.
Nhưng rồi bí ba phải lùi dần từng bước. Họ cưu mang ta khi ta bơ vơ giữa xứ lạ. Ta lại vào nhà họ đúng lúc tết nhất tưng bừng, ta không thể ích kỷ ngồi ôm mấy thùng hàng để họ thiếu thốn. Một ngày cũng nên nghĩa, nữa là mười một ngày.
Thua. Bí ba đành mở tung mấy thùng hàng tết ra. Cắt từng sợi dây như cắt vào da thịt mình. Anh em sứ quán tưng bừng cả lên. Xứ này có đủ thịt lợn cho nem và cho bánh chưng, có đủ thịt bò thịt gà cho phở. Nồi bánh chưng sôi sùng sục, mấy anh em phân công mỗi người thức hai tiếng ban đêm để canh, khi nào cạn nước thì đổ thêm nước vào. Bí ba cũng phải ngồi gác một ca.
Tết ấy, một cái tết cộng đồng thật to, lại mời thêm một lô đại sứ các nước và quan chức chính phủ sở tại. Ẩm thực Việt lên ngôi ở Tây Âu. Sứ quán mời cả anh cảnh vệ và anh lái tắc xi đến. Anh lái tắc xi mắt xanh tóc vàng ôm chầm lấy bí ba. Bắt tay nhau cười ha ha. Bí ba dẫn anh ta vào bếp, lôi bánh đa nem ra biểu diễn cách gói nem. Anh ta tròn mắt, ăn thì ngon mà giờ mới biết cái tờ giấy gạo kia là dùng để gói nem.
Vui tết ở Tây Âu, nhưng khi bí ba được gửi trở lại Nam Á thì bị kỷ luật. Trước đó, sứ quán Tây Âu đã đánh moóc thông báo tình hình và thanh toán tiền hàng tết cho Nam Á. Thanh toán thì vẫn bị kỷ luật. Làm tan tành kế hoạch tết đối ngoại của Nam Á. Cảnh cáo trong cơ quan vì để mất hàng. Cả tội ngủ quên trên máy bay nữa. Cả tội khiến quản trị phải xuất thêm tiền vé máy bay từ Tây Âu về Nam Á. Ba năm nhiệm kỳ không một lần được bầu là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua lại càng không.
Đấy là chuyện của ba mươi sáu năm trước. Bí ba khi về hưu thì đã mang hàm bí thư thứ nhất, gọi tắt là bí nhất. Cách đây ba năm anh Tây lái tắc xi ngày trước đi du lịch sang Việt Nam, lần mò thế nào tìm được đến nhà ông. Anh ta vẫn giữ được địa chỉ từ cái ngày tết ăn nem và xì xồ với nhau. Oh, Mr. Nem. Anh ta kêu lên và ôm ông rất chặt. Bữa ấy vợ chồng Mr. Nem giữ anh Tây ở lại ăn cơm. Cơm Việt. Ẩm thực Việt. Tất nhiên là có cả món nem.”
(Trích truyện ngắn Mr. Nem người vận chuyển)
- “Tấm ảnh úp sấp xuống mặt bàn, phơi lộ mấy con số viết bằng bút bi: 2-5-1982.
Hai ống Insulin đã bẻ cổ.
Hai cái bao cao su đã dùng.
Tất cả đều trong sọt rác.
Góc phòng tắm có một đống tro đen vẫn còn lưu hình những tờ giấy quăn queo.
Cô phục vụ xối nước cho đống tro trôi đi. Còn một vài mẩu giấy chưa cháy hết. Mẩu từ bức thư cũ, nét chữ con gái viết bằng mực tím nhòe nhạt, hình như có chữ hiểu chữ nhớ. Mẩu hóa đơn chứng từ, đôi ba con số chẳng nói lên điều gì. Cô gái nhặt những mẩu giấy cháy dở bỏ vào sọt rác để mang đi đổ.
Lọ thuốc, bộ ống kim tiêm, cái quần lót hôm qua phơi trong phòng tắm, bộ quần áo treo trong tủ gươ tất cả đều biến mất. Phải hiểu là tất cả đã được thu dọn vào trong cái túi du lịch kéo khóa im ỉm kia. Phải hiểu là người khách sắp ra đi. Phải suy luận là ông ta sắp trở lại Sài Gòn.
Dọn dẹp xong, cô phục vụ ngắm nghía lại người con trai trong tấm ảnh. Phải thầm thú nhận là cô đã mê anh chàng đẹp trai này. Cô dựng lại tấm ảnh cho ngay ngắn ở chân đèn rồi mới đóng cửa đi ra.
Giữa trưa. Chính ngọ. Giờ Hà Bá đi bắt người ở nơi sông nước. Phía ngoài hồ Tây có tiếng người lao xao, tiếng chân chạy rầm rập. Tiếng kêu có người chết đuối. Lâu lâu nơi hồ nước lại có một vụ. Mấy cô tổ buồng đang làm việc không dám chạy ra xem, chỉ ngó đầu qua cửa sổ hành lang nhìn ra. Những tán cây che khuất chẳng thấy được gì. Đành hỏi vóng xuống xem ai chết, chết lâu chưa, chết sấp hay chết ngửa. Mỗi người nói một phách. Láo nháo một lúc thì cũng chẳng biết là còn sống thật hay đã chết hẳn. Chỉ biết người chết là đàn ông.
Cô phục vụ tim đập thình thình. Lạ quá. Linh cảm tai họa đang ở đâu đó rất gần. Có cái gì xui khiến cô chạy trở lại phòng 37, mở khóa vào phòng. Chiếc túi du lịch vẫn nằm ở chỗ cũ, chắc là mọi thứ đã được xếp gọn hết vào trong ấy. Tấm ảnh bay xuống bên sườn tủ. Cô phục vụ nhặt lên và đến lúc này cô mới thấy trên mặt tủ, cạnh chân đèn có một tờ giấy. Nét chữ bút kim. Hai dòng.
Không ai có tội.
Tôi tự quyết định số phận của mình.
Dòng thứ ba là chữ ký
Dòng thứ tư là tên đầy đủ của người đàn ông.”
(Trích truyện ngắn Sắp đặt)
- “Trung tâm văn hóa Tây đặt ở ta. Đúng cách gọi sành điệu thì phải dùng từ ngoại, nó phải được phát âm là aliăng, những cái khác thì đọc là caoxồ hoặc inxơtitiutơ. Một đống ngân sách đổ ra để quyến rũ dân bản xứ, theo đúng bài mật ngọt ruồi mới đậu. Ông phó giáo sư nghệ thuật học lần đầu bước vào đây đã đọc ra cái vị ấy. Trung tâm trở thành tụ điểm của đám nouveau riche văn hóa, còn gọi là đám giàu xổi về văn hóa. Một đám nghệ sĩ nhiều nhất là tóc là râu, được miêu tả hẳn hoi trong một câu hát là người yêu dấu không thấy đầu, kẻ cạo trọc cho thấy đầu thì là những chàng những nàng tuổi hai mươi đã kịp phá nát đời sau đó rưng rưng sám hối tìm về cội nguồn phật tính văn hóa phương Đông. Một đám trí thức mới phất bằng phèng la ngoài đánh vào trong đánh ra. Túm tụm kháo nhau những trò độc trò quái trò bợm mới nhất, những tìm tòi vạch lá tìm đường còn nóng hót hôi hổi trong giới. Nhà giàu ngoại quốc tung một nắm tiền xem đám bản xứ thò thụt tất cả những gì man man mọi mọi ma ma lanh lanh. Dùng lưỡi liếm đồng xu dưới đất lên chẳng hạn. Chổng đít lộn một vòng qua đám xu tung tóe, lúc đứng dậy đã kịp khoe trò thiện nghệ nhặt được mấy đồng. Tất cả ngay lập tức được vỗ tay bít bít lại đi lại đi, được dán nhãn nghệ thuật đương đại.
Không khí nghệ thuật đặc sệt Âu - Mỹ. Cầm ly rượu đi đi lại lại trong đại sảnh xem triển lãm mới nhất. Sắp đặt. Kỹ thuật viên đổ khuôn thạch cao làm tay sai cho các nhà điêu khắc mãi cũng lên cơn gà tức nhau tiếng gáy, bắt được vở của nghệ thuật đương đại chỉ cần tinh một tí ma một tí lanh một tí. Ông kỹ thuật viên thạch cao bèn nhờ người tiến cử, xin được tài trợ của trung tâm văn hóa Âu Tây làm cái sắp đặt. Ông lột hết quần hết áo ra, lấy thân mình không lấp lỗ châu mai như thời chiến mà hiến thân cho nghệ thuật làm khuôn thạch cao. Đổ từ khuôn ra những cái túi ni lông nhèo nhẽo. Bơm túi lên thì cả mấy chục cái túi thành búp bê cho người lớn. Trắng toát. Trần trụi nồng nỗng cả ra. Mấy chục cái hình nhân tồng ngồng làm quản lý văn hóa đỏ mặt không cho triển lãm công khai, trả về cho trung tâm Âu - Mỹ giới thiệu nội bộ.
Hình nhân trắng lốp rải trên nền nhà triển lãm bèo nhèo túi nhựa. Thỉnh thoảng công tắc bật nhẹ, mấy chục cái túi đồng loạt được bơm hơi, túi xẹp đồng loạt phồng lên từ từ thành búp bê thiếu hơi, bụng ỏng đít beo, hình nhân run run giật giật nằm ngửa nằm sấp mà rùng rùng đê mê. Tiếng động cơ máy bơm hụt hơi ư ử ư ử.”
(Trích truyện ngắn Diễn)
- “Cái đôi ấy chuyến ấy rủ nhau đi về thành phố ấy. Vũng Tàu thì phải. Những phố thị ngoại vi như Vũng Tàu Đà Lạt có khi được cánh sành sỏi gọi là thành phố ngoại tình. Phía bắc thì Đồ Sơn Tam Đảo Đại Lải Sa Pa. Người ở xa đến với nó chỉ là du khách, chơi bời tạm bợ chút ít rồi phắn, ai trở về nhà nấy, không ai ăn đời ở kiếp ở cái chỗ chỉ đến nghỉ dưỡng vui chơi. Chuồn chuồn đạp nước khơi khơi mà thôi. Cũng còn có nghĩa là những phố thị ngoại vi đô thị ấy là điểm hẹn cho những cặp những đôi không được gán ghép pháp lý, chỉ là trốn cơm đi ăn phở.
Nhưng cũng còn một loại du khách khác, cái đôi mà ta đang nói đến ở đây. Mười tám đôi mươi. Mới yêu nhau một thời gian, họ quyết định chấm dứt tình trạng nằm mộng ăn chay, không chọn nhà nghỉ ở đô thị mà rủ nhau xuống Vũng Tàu. Một trăm hai mươi cây số. Lúc đi có đủ hai người. Lúc về chỉ có một mình nàng. Xong việc, chàng lập tức biến mất không tăm tích, bốc hơi, đúng kiểu Sở Khanh quất ngựa truy phong. Lúc đi đi xe khách đủ cả hai người. Lúc về về tàu thủy cao tốc chỉ có một mình nàng.
Mất tích luôn, không một lời nhắn, không một lời giải thích. Nàng đi tìm chàng. Cả năm trời sau đó. Nghĩ rằng mình đã gặp Sở Khanh, đâm cành bẻ hoa xong thì biến. Suốt đêm ấy họ đã ở với nhau, một góc khuất ngoài bãi biển. Gần sáng, chàng lần mò đi ra phía sau một ghềnh đá, như là đi vệ sinh, rồi không thấy trở lại. Tìm khắp bãi biển, tìm khắp khu nhà nghỉ, tìm khắp thành phố, tìm suốt cả ngày.
Không bao giờ gặp lại nữa.”
(Trích truyện ngắn Pháo nổ pháo nang)
- “Cô giúp việc lúc ấy đang tưới cho mấy chậu hoa trên ban công. Ban công tầng hai ngay trên đầu ông bác. Cô lắm điều nhiều chuyện và thích hóng chuyện như mọi lần. Cô ngó đầu ra gọi với xuống ông bác đừng mua loại cá ấy, nó là cá Tàu bị sơn khắp người, cá ấy trên đường bay về trời chầu ông Công ông Táo bong hết sơn, như gái son phấn bị ra mồ hôi nhòe nhoẹt, để tí nữa cô ra chợ mua cá đẹp nuột nà. Nói được bằng ấy câu thì cô mất đà, loạng choạng, chới với, cô quăng mình qua lan can.
Đến đây thì ai cũng biết đoạn kết của vụ việc. Giống như con bé năm tuổi rơi từ tầng chín, cô giúp việc không chết. Chỉ là rơi từ tầng hai thôi mà. Cô cũng không bị sây sát gì.
Đơn giản là cô ngã trúng đầu ông chủ. Ông bác của hai đứa con nhà này. Ông bác mất tết, ngày tết nằm ôm cái vòng cứng cố định quanh cổ mà nghĩ mình vẫn may. May mà không gãy cổ. Đã là số thì không trượt chân ở tầng cao chung cư vẫn có thể trượt chân ở tầng hai nhà mặt phố. Mình không trượt thì ô sin trượt. May nữa, cô ô sin Na Nông trọng lượng bảy mươi cân rơi từ khoảng cách bốn mét tầng hai xuống đến đầu ông thì nó chỉ mới thành một tạ. Một tạ. Giáng thẳng xuống đầu.
Hội thảo đến đấy thì thằng bé bê iPhone chạy ra ban công, nhìn nhìn ngó ngó, kiểu ước lượng xem tầng mười lăm của mình cao bao nhiêu mét, đối chiếu với trọng lượng cơ thể để xem rơi xuống đất sẽ là mấy tạ. Cả vợ cả chồng đồng thanh hét lên đuổi như đuổi tà. Vào ngay. Vào ngay.
Món thịt bò xào rau cải đã xong. Bê ra cùng đĩa bánh chuối rán còn nóng hổi. Vợ nhớ ra, thủ phạm làm vợ trượt chân đây rồi. Chắc là khi thái chuối, một miếng nhỏ văng xuống sàn và làm vợ trượt chân. Thằng bé bốc một chiếc bánh chuối định ăn trước, chị nó lập tức hét lên, sau ăn cơm mới được ăn bánh. Vợ cũng hét, thằng cu không được ăn bánh chuối, sắp thi học kỳ, có muốn trượt vỏ chuối hay không.
Chồng nói thêm, mà phòng thi lại ở trên cao đấy, tận tầng năm.”
(Trích truyện ngắn Trượt chân trên tầng cao)